Với sự phát triển, đổi mới liên tục trong kỹ thuật in ấn hay xu thế thay đổi trong đời sống xã hội và dựa trên các số liệu thống kê của Hiệp hội In Việt Nam khi tiến hành khảo sát tình hình hoạt động của các doanh nghiệp in trên cả nước. Nhận thấy xu thế biến động và chiều hướng dịch chuyển của một số sản phẩm trong ngành in sẽ như sau...
🔷 Sách:
Sách điện tử ở Việt Nam chưa thực sự phổ biến nên chưa có ảnh hưởng lớn đến sách in, nhưng trong tương lai không xa chắc chắn sẽ thay thế dần sách in. Theo số liệu của Cục Xuất Bản, năm 2012 số đầu sách xuất bản trong năm là 28.009 cuốn, tổng số bản sách xuất bản là 301,717 triệu bản tăng chút ít so với năm trước. Tuy vậy số lượng in bình quân trên một đầu sách có xu hướng ngày một giảm. Trong 64 nhà xuất bản chỉ có nhà xuất bản Giáo Dục có số bản in bình quân là 69.000 bản/đầu sách, nhà xuất bàn Kim Đồng 9.000 bản/đầu sách; còn 62 nhà xuất bản còn lại số lượng in bình quân chỉ khoảng 2.000 bản/ đầu sách, trong đó có 14 nhà xuất bản in dưới 1.000 bản/đầu sách. Xu thế tăng đầu sách, giảm số lượng và giảm số trang đang là một thực tế kể cả đối với nhà xuất bản Giáo Dục khi chủ trương một môn học nhiều bộ sách được thực hiện. Lượng sách khâu chỉ sẽ ngày một giảm, những thông tin đó cần được các nhà in đang in sách là chủ yếu cần lưu ý trong giai đoạn tiếp theo.
🔷 Báo, tạp chí:
Số lượng đầu báo và tạp chí hiện nay là trên 800 nhưng số lượng in đang giảm dần, công suất in loại sản phẩm này đang dư thừa nên giá cả in giảm sút, trong khi chi phí sản xuất đang tăng hàng năm. Số tờ báo và tạp chí có lợi nhuận rất ít nên khả năng thanh toán yếu, nợ kéo dài, thậm chí xù nợ và chuyển nhượng lại giấy phép. Hầu hết các nhà in có in báo, tạp chí nhiều đều đang giảm sản lượng, thu hẹp sản xuất hoặc phải chuyển hướng mặt hàng. Tình trạng này sẽ ngày một xấu hơn khi báo mạng đang lấn lướt báo in và các phương tiện điện tử thông minh được cải tiến liên tục.
🔷 Văn hóa phẩm:
Mảng sáng duy nhất trong lĩnh vực in văn hóa phẩm là lịch bloc với số lượng hàng năm gần 20 triệu cuốn với mẫu mã ngày một đẹp, đa dạng và tiện dụng. Nhưng in lịch bloc cũng chỉ tập trung ở khoảng hơn 20 nhà in trên cả cước, nơi có những thiết bị và công nghệ sản xuất phù hợp, giá cả cạnh tranh. Các loại lịch tờ, lịch bàn, lịch sổ v.v… số lượng đã ở mức giới hạn. Tranh, ảnh, bưu thiếp và các loại văn hóa phẩm khác sản lượng không đáng kể. Phần lớn các loại sản phẩm này chỉ tập trung in ở các trung tâm lớn và một số tỉnh trọng điểm để tiện cho việc phát hành, không phải chia đều cho các nhà in.
🔷 Vé số:
Đây là nguồn công việc khá ổn định và mang lại doanh thu cao cho nhiều nhà in ở các tỉnh phía Nam. Gần đây Bộ Tài Chính có những quy định tăng mệnh giá và giảm số lượng phát hành cũng làm cho sản lượng trang in của các nhà in giảm xuống. Các nhà in cũng lo ngại trong tương lai nếu xổ số điện tử ra đời thì ngành in cũng mất đi một sản lượng đáng kể.
🔷 Các loại hóa đơn, chứng từ thanh toán:
Hiện nay cả nước có hơn 100 cơ sở in có giấy phép in hóa đơn tài chính. Nhiều nhà in cũng có công nghệ in các loại thẻ cào, giấy nhiệt cho các trạm ATM, hệ thống siêu thị, ngân hàng v.v… Năm 2011, một số nhà in đã bội thu nhờ các loại công việc này.Gần đây Bộ Tài Chính cho phép các doanh nghiệp tự in hóa đơn, việc điện toán hóa trong thanh toán của một số doanh nghiệp lớn cũng ảnh hưởng lớn đến nguồn công việc này của một số doanh nghiệp in. Do đó các thiết bị và công nghệ đầu tư sẽ bị dư thừa công suất.
🔷 Bao bì và tem nhãn hàng:
Đây là thị phần lớn nhất của ngành in Việt Nam cũng như quốc tế. Qua số liệu khảo sát thì không có một nhà in nào đạt được doanh số 350 tỷ đồng/năm nếu không tham gia thị phần in nhãn hàng và bao bì, thậm chí doanh số từ 100 tỷ đồng trở lên cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay. Trong khi đó số cơ sở in bao bì có doanh số hàng trăm cho tới trên dưới 1.000 tỷ đồng/năm khá đông. Đặc điểm của khối doanh nghiệp này là:
- Không có doanh nghiệp Nhà nước.
- Tập trung ở các thành phố lớn và khu công nghiệp.
- Có sự tham gia của rất nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp tư nhân.
- Thiết bị và công nghệ đa dạng.
- Tỷ suất lợi nhuận cao hơn so với in thương mại, các ấn phẩm truyền thống.
Cùng với sự phát triển kinh tế và sản xuất hàng hóa thì mảng in tem nhãn hàng, in bao bì sẽ tiếp tục phát triển hơn nữa, chất lượng đòi hỏi ngày một cao hơn, mới mẻ, phong phú, cầu kỳ hơn và sự cạnh tranh sẽ ngày càng quyết liệt hơn.
🔷 Catalogues, kẹp file, brochures, tờ rơi, kỷ yếu và các ấn phẩm cá nhân riêng biệt:
Trong lĩnh vực in thương mại thì chỉ có mảng công việc này vẫn đang tiếp tục gia tăng. Việc quảng bá thương hiệu, sản phẩm hàng hóa và các nhu cầu riêng biệt ngày một cần thiết. Mặc dù khủng hoảng kinh tế đã buộc các doanh nghiệp cắt giảm nhiều khoản chi phí, nhưng để tiếp tục tồn tại và phát triển thì việc quảng bá sản phẩm, dịch vụ và củng cố thương hiệu lại cần thiết hơn bao giờ hết. Do vậy gần đây các tổ chức thương mại, các hãng sản xuất và phân phối sản phẩm ngoài các kênh quảng cáo thông qua các phương tiện truyền thông đại chúng, đã không ngừng gia tăng quảng bá thông qua các ấn phẩm riêng như các tờ rơi, các catalogues, brochures, các tài liệu hướng dẫn sử dụng… với tổng chi phí hàng năm không nhỏ. Nhu cầu về các ấn phẩm mang tính cá nhân riêng biệt cũng bắt đầu xuất hiện. Tuy vậy không phải nhà in nào cũng có đủ năng lực để đáp ứng các nhu cầu này của thị trường do số lượng in hoặc cực lớn, chất lượng cao hoặc thời gian giao hàng ngày một rút ngắn. Dự báo mảng sản phẩm này sẽ tiếp tục phát triển trong tương lai khi các nhà sản xuất và thương mại lớn của quốc tế đang tiếp tục nhảy vào thị trường 90 triệu dân của Việt Nam và các ấn phẩm cá nhân riêng biệt đang trở thành một xu thế.
Theo nguồn internet
Viết bình luận